Uỷ thác đầu tư là gì?

1. Ủy thác đầu tư là gì?

Ủy thác đầu tư là hoạt động của một bên (bên ủy thác) giao vốn đầu tư, giao việc cho cá nhân, pháp nhân (bên nhận ủy thác) để làm một công việc nhất định nhằm mục đích sinh lợi, có thể hiểu rằng bên được ủy thác sẽ nhân danh và thực hiện một số hoạt động trong phạm vi ủy thác, bên ủy thác chịu mọi rủi ro, bên nhận ủy thác được hưởng phí ủy thác. Ủy thác đầu tư thuộc hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

2. Pháp luật về ủy thác đầu tư

Đối tượng ủy thác bao gồm:

  • Cá nhân, tổ chức, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là khách hàng vay vốn, thuê tài chính.
  • Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nhận vốn góp, phát hành trái phiếu, cổ phiếu.
  • Dự án sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, ở Việt Nam các ngân hàng thương mại cũng đã cung cấp dịch vụ này. Các hình thức nhận ủy thác đầu tư như:

  • Nhận ủy thác đầu tư có chia sẻ rủi ro cao.
  • Nhận ủy thác đầu tư không chia sẻ rủi ro.
  • Nhận ủy thác đầu tư với lợi tức cố định.

Nguyên tắc ủy thác đầu tư:

  • Ủy thác đầu tư phải được lập thành văn bản.
  • Bên ủy thác chỉ được ủy thác cho bên nhận ủy thác để thực hiện nội dung ủy thác mà bên ủy thác được thực hiện và được ủy thác theo quy định của pháp luật. Bên nhận ủy thác chỉ được nhận ủy thác đối với những nội dung ủy thác mà bên nhận ủy thác được thực hiện và được nhận ủy thác theo quy định của pháp luật.
  • Bên nhận ủy thác không được ủy thác lại cho bên thứ ba.
  • Việc giao vốn ủy thác phải phù hợp với tiến bộ thực hiện nội dung ủy thác.
  • Bên nhận ủy thác không được sử dụng vốn ủy thác trái với mục đích, nội dung ủy thác được quy định tại hợp đồng ủy thác.
  • Các khoản ủy thác bằng ngoại tệ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và các quy định của pháp luật có liên quan.

Quy định về hợp đồng ủy thác:

Hợp đồng ủy thác phải có tối thiểu các nội dung như sau:

  • Tên, địa chỉ của bên ủy thác và bên nhận ủy thác.
  • Đối tượng ủy thác.
  • Mục đích ủy thác.
  • Phạm vi, nội dung ủy thác.
  • Thời hạn ủy thác.
  • Phí ủy thác.
  • Vốn ủy thác, thời gian giao vốn ủy thác.
  • Quyền, nghĩa vụ của bên ủy thác, bên nhận ủy thác.
  • Chấm dứt hợp đồng trước hạn.
  • Xử lý tranh chấp.
  • Và các nội dung khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật. 

Ưu điểm của ủy thác đầu tư:

  • Mang lại lợi nhuận ổn định, an toàn và tăng trưởng kinh tế cho doanh nghiệp vì hoạt động này sẽ cho phép nhà đầu tư ủy thác vốn đầu tư vào nhiều ngành nghề theo danh mục đầu tư.
  • Tránh được nhiều rủi ro hệ thống nhờ đa hóa hình thức và danh mục đầu tư, phù hợp với các nhà đầu tư đang tìm kiếm và lựa chọn đầu tư dài hạn.
  • Hạn chế được sự hiện diện trực tiếp của mình để giảm áp lực cạnh tranh từ phía các đối thủ, tăng cường được hiệu quả sử dụng vốn.
  • Chủ thể nhận ủy thác có thể được trả lợi nhuận đều đặn từ chính khoản đầu tư của chính mình, có khả năng sinh lời cao nhờ gửi tiền ngân hàng.
  • Quá trình ủy thác đầu tư mang tiện lợi cho hoạt động đầu tư.

Nhược điểm của ủy thác đầu tư:

  • Bên ủy thác đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường và quyết định của chủ thể nhận ủy thác, có thể dẫn đến thua lỗ.
  • Bên nhận ủy thác có ít kinh nghiệm về đầu tư, tài chính,… rất dễ bị thất thoát nguồn vốn đầu tư, không mang lại lợi nhuận.
  • Lợi nhuận của bên ủy thác đầu tư phải chịu thuế và giảm lợi nhuận thu được từ khoản đầu tư.

3. Quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác đầu tư và bên nhận ủy thác đầu tư

3.1. Quyền và nghĩa vụ bên ủy thác đầu tư

Bên ủy thác đầu tư có các quyền sau:

  • Yêu cầu bên nhận ủy thác đầu tư cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh bên nhận ủy thác được phép thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác theo quy định của pháp luật.
  • Yêu cầu bên nhận ủy thác đầu tư  báo cáo, cung cấp tài liệu, thông tin về tình hình, kết quả thực hiện.
  • Giám sát, kiểm tra việc bên nhận ủy thác đầu tư thực hiện nội dung, phạm vi được ủy thác.
  • Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên hoặc/ và theo quy định pháp luật.

Bên ủy thác đầu tư  có nghĩa vụ sau:

  • Xem xét, đánh giá chức năng, phạm vi hoạt động, năng lực quản trị, điều hành, nhân sự, chuyên môn, công nghệ và cơ sở hạ tầng của bên nhận ủy thác để đảm bảo bên nhận ủy thác có đủ khả năng thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác.
  • Chuyển vốn ủy thác cho bên nhận ủy thác đầu tư  theo tiến độ thực hiện nội dung ủy thác quy định tại hợp đồng ủy thác.
  • Cung cấp cho bên nhận ủy thác các thông tin,tài liệu có liên quan đến ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác.
  • Thanh toán phí ủy thác cho bên nhận ủy thác đầu tư.
  • Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc/ và theo quy định pháp luật.

3.2. Quyền và nghĩa vụ bên nhận ủy thác

Bên nhận ủy thác có quyền sau:

  • Có quyền từ chối các yêu cầu bên ủy thác liên quan đến phạm vi và nội dung ủy thác, đối tượng ủy thác không được quy định tại hợp đồng ủy thác hoặc không đúng quy định pháp luật.
  • Được nhận phí ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác.
  • Yêu cầu bên ủy thác đầu tư  cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác.
  • Các quyền khác theo theo thuận của các bên hoặc/ và quy định của pháp luật.

Bên nhận ủy thác có các nghĩa vụ sau:

  • Xem xét, đánh giá chức năng, phhạm vi hoạt động của bên ủy thác đầu tư  để đảm bảo bên ủy thác được phép thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác theo quy định của pháp luật.
  • Thực hiện đúng nội dung, phạm vi ủy thác.
  • Thông báo kịp thời, đầy đủ cho bên ủy thác về tình hình thực hiện nội dung ủy thác.
  • Thực hiện các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên hoặc/ và theo quy định pháp luật.
NHẬN BÁO GIÁ

Liên Hệ Với Chúng Tôi

Vui lòng để lại thông tin, HP Solutions sẽ gọi lại ngay

Viết một bình luận